Tin công ty

Xi măng Cẩm Phả: 10 năm vươn lên trong thế khó

  • 06/06/2018 - Đăng bởi admin
  • 1116
Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002 với tổng mức vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy xi măng lò quay có công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam với các thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới. Năm 2008, Xi măng Cẩm Phả chính thức đi vào hoạt động, đây cũng là thời điểm thị trường tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn và điêu đứng do ảnh hưởng của thời điểm thị trường bất động sản, xây dựng đóng băng. Thêm vào đó, do phải trả nợ cho khoản vay đầu tư ban đầu quá lớn nên chỉ sau 3 năm hoạt động, Xi măng Cẩm Phả đã liên tục báo lỗ với luỹ kế lên đến 1.588 tỷ đồng (chưa kể lỗ chênh lệch tỷ giá là 213 tỷ đồng). Đến tháng 11 năm 2013, cổ đông lớn là Vinaconex nắm 99,63% vốn đã phải trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả là 2.393 tỷ đồng, khiến Vinaconex gặp nhiều khó khăn về tài chính và không còn đủ nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ cũng như trả nợ thay cho doanh nghiệp này. Khó chồng khó, Tổng Công ty Vinaconex đã dồn hết tâm huyết để duy trì hoạt động của nhà máy nhưng khó khăn vẫn luôn cận kề. Trong điều kiện đó, XMCP đã thực hiện tái cấu trúc vào tháng 11/2013. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trở thành cổ đông chi phối của Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả.
 
(Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh)
 
Sau khi mua 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả, Viettel đã tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư và áp dụng phương thức quản trị mới. Viettel đã xử lý các khoản nợ ngân hàng mà công ty phải gánh. Song song với đó, Viettel đã cải tạo nâng công suất lò nung lên 5%, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, mở rộng hệ thống kênh phân phối...  Năm 2014, sau 1 năm về với Viettel, lần đầu tiên XMCP có lãi. Đây được xem là kết quả khá bất ngờ trong điều kiện thị trường xi măng đang cạnh tranh quyết liệt. Thời điểm này, XMCP đã tự giảm bớt áp lực cạnh tranh cho chính mình bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu.
 
(Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trao tặng bằng khen cho Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả)
 
Với sự năng động và linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, Xi măng Cẩm Phả đã có những đột phá trong sản lượng tiêu thụ, năm sau cao hơn năm trước: sản lượng năm 2013 đạt 1,33 triệu tấn; năm 2014 tăng lên đạt 1,40 triệu tấn, năm  2015 tăng lên đạt 1,74 triệu tấn tăng và năm 2016 đã đạt được mốc trên 2,21 triệu tấn, xấp xỉ đạt được tối đa công suất thiết kế của Nhà máy.
Xác định nhân tố con người là quan trọng nhất, XMCP luôn thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác dân vận thông qua các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ để phát huy sức mạnh tập thể, cùng nhau vượt qua khó khăn tự vươn lên. Thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ thông qua Hội nghị người lao động, thỏa ước lao động tập thể, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo với người lao động…  Hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, đời sống vật chất tinh thần của người lao động không ngừng nâng cao, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 15 triệu đồng/người/tháng.
 
(Ông Hoàng Xuân Vịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả)
 
Nhanh chóng tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường, từ vài chục nhà phân phối ban đầu đến nay XMCP đã có hơn hệ thống phân phối bao gồm trên 100 nhà phân phối tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng cảng biển cho tàu lớn 15.000 DWT cập cảng tại khu vực nhà máy ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), XMCP đã chọn đích đến là thị trường phía Nam. Đây là bước tiến lớn của XMCP từ ngày về với Viettel, thay vì cạnh tranh trên địa bàn sản xuất, XMCP đã nhìn xa hơn, trông rộng hơn khi đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường phía Nam. Tập trung phát triển mở rộng tại các thị trường trọng điểm về kinh tế, có lợi thế về địa lý như khu vực TPHCM, Bình Dương, các tỉnh miền Đông Nam bộ, trạm nghiền XMCP tại KCN Mỹ Xuân A tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuận lợi cả vận chuyển về đường thủy và đường bộ. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, XMCP đã tập trung đa dạng hóa sản phẩm.  Thay vì trước đây chỉ có 2 loại sản phẩm thì đến nay có 6 loại sản phẩm bao gồm: Xi măng PC, Xi măng PCB40, Xi măng đa dụng, Xi măng xây trát MC25, Xi măng bền sun phát, Xi măng hỗn hợp bền sun phát và xi măng Xỉ lò cao. Các sản phẩm đều được gắn logo và chất lượng đồng nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ. Trải từ Bắc vào Nam, 10 năm qua, thương hiệu “Xi măng Cẩm Phả” đã khẳng định tên tuổi và ghi dấu ấn tại các công trình mang tầm cỡ quốc gia như: Khách sạn 5 sao Charmvit Hà Nội, Nhiệt điện Cẩm Phả, Sun Wheel Hạ Long, Vincom Hạ Long, Sala của Đại Quang Minh, Vinhomes Central Park (tại Tân Cảng), Vinhomes-Goldenriver (Ba Son), các dự án thủy điện Đăk nông, thủy điện Đại Bình, thủy điện Đại Nga; đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây..., Cầu Bạch Đằng, Time City)
 
(Nhà máy Xi măng Cẩm Phả góc nhìn từ Vịnh Bái Tử Long)
 
Năm 2018, tròn 10 năm ngày thành lập, XMCP đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong ngành Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Thương hiệu XMCP Công nghệ Nhật bản với màu xanh đặc trưng, đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Sản phẩm của XMCP đã có mặt trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia và nằm trong top thương hiệu xi măng uy tín tại thị trường Việt Nam.
 
Một số hình ảnh hoạt động trong Lễ kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Xi măng Cẩm Phả
 
 
 
 
 
Bình luận bài viết
Về đầu trang
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top