Tin công ty

Công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là thay đổi cách làm mà còn thay đổi cả về tư duy của CBCNV

  • 06/11/2020 - Đăng bởi admin
  • 571
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đẩy mạnh tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội là một yêu cầu rất cấp bách. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, xu thế về ứng dụng CNTT vào sản xuất, công tác lãnh đạo, quản lý và mọi mặt là một nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, nhưng cũng gặp phải những khó khăn, những rào cản nhất định. Đó là việc tiếp cận, đổi mới tư duy và nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của CNTT, quan điểm trong ứng dụng, về kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, rồi cơ chế chính sách, thói quen cũ,…
 
Khi dự và phát biểu trong tọa đàm ICT năm 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” do Hội tin học Việt Nam phối hợp với các hội, hiệp hội trong ngành CNTT diễn ra chiều ngày 03/7/2020 tại Khách sạn Pan Pacific - Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh “Hồn cốt của chuyển đổi số, là tăng cường ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống” và “Quan điểm thể hiện xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm”.
 
Sự thay đổi trong thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
 
Trong giai đoạn hiện nay, Công ty đang chuyển mình với nhiều đổi mới và những khát vọng, quyết tâm xây dựng Công ty phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ và Tập đoàn về chuyển đổi số, “Chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân”. Qua đó từng bước đáp ứng yêu cầu của SXKD, thời gian qua Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã nghiên cứu đầu tư thời gian, công sức và khẩn trương ứng dụng CNTT trên các mặt hoạt động. Nhận thức sớm sự tác động rất cụ  thể và mạnh mẽ Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống, nó sẽ ảnh hưởng tích cực rất nhiều, thậm chí còn có cả “đau đớn”. Trăn trở với thực trạng này, từ những sức ép ban đầu đã thấy sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, từ đó ban lãnh đạo Công ty xác định phải khẩn trương đẩy mạnh CNTT vào mọi mặt hoạt động của Công ty, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi số và làm mới thương hiệu Xi măng Cẩm Phả. Một trong các nội dung là ngay từ năm 2019, Công ty đã có những quyết định chiến lược, tách Ban Công nghệ thông tin ra khỏi Văn Phòng Công ty và thành lập Phòng Công nghệ thông tin.
 
Đối với Xi măng Cẩm Phả, Nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động thương mại từ năm 2008 (Nhà máy chính tại Km6, Quốc Lộ 18, Phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và Trạm nghiền tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với trang thiết bị công nghệ hiện đại, luôn vận hành, khai thác đạt và vượt công suất thiết kế. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng tuổi thọ của hệ thống các trang, thiết bị trên dây chuyền sản xuất ngày càng giảm, chi phí cho vận hành bảo quản và sửa chữa còn cao. Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất thì yêu cầu của Tập đoàn CN-VTQĐ là hoạt động SXKD phải có tăng trưởng nhanh, ổn định, từng bước tối ưu chi phí và giá thành sản phẩm phải giảm, trong khi khả năng và thực trạng sản xuất xi măng trong nước đang dư thừa, nhu cầu thị trường không tăng và xảy ra cạnh tranh rất khốc liệt giữa các Công ty sản xuất xi măng.
 
Hệ thống dây chuyền, thiết bị tại Nhà máy chính về ban đêm
 
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa CNTT vào mọi mặt công tác, từng công đoạn, nghiệp vụ trong SXKD, đẩy mạnh chuyển đổi số là con đường duy nhất nhằm nâng cao công tác quản trị, tiết kiệm chi phí, giám sát chặt chẽ các quy trình trong SXKD. Với mục tiêu đó ngày 10/4/2020 Đảng ủy, Ban TGĐ Công ty quyết định thành lập Phòng Công nghệ thông tin (dựa trên cơ sở Ban Công nghệ thông tin thuộc Văn Phòng) với quân số ban đầu là vỏn vẹn chỉ có 4 CBNV. Tuy mới thành lập, lại trong giai đoạn dịch, bệnh Covid-19 đang hoành hành và tác động mạnh, do đó ngành đã gặp không ít khó khăn, thử thách, bất cập nảy sinh (đó là nhận thức của cơ quan, đơn vị về vai trò của ứng dụng CNTT vào SXKD và công tác quản lý, kinh phí và đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thói quen người sử dụng,...). Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn Phòng Công nghệ thông tin đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào mọi hoạt động, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ và vị thế của mình. Bước đầu đã có những kết quả nhất định rất đáng trân trọng và khích lệ.
 
Trong đó, việc quan tâm đầu tư hạ tầng cho hệ thống được coi trọng. Đã thay thế Server, quang hóa hệ thống mạng nội bộ đến các phòng, phân xưởng và trang bị, nâng cấp máy tính người dùng, thiết bị máy văn phòng. Thực hiện bảo trì toàn bộ trang, thiết bị hệ thống, góp phần nâng cao tuổi thọ thiết bị, duy trì vận hành và khai thác ổn định, phục vụ tốt hoạt động SXKD, các mặt công tác và phục vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị.
 
Đối với ứng dụng các hệ thống phần mềm, bên cạnh việc triển khai, áp dụng và duy trì tốt các hệ thống phần mềm quản lý tập trung đã được Tập đoàn cung cấp, Công ty đã chủ động trong công tác quản lý, duy trì khai thác, vận hành tốt hệ thống phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) với hàng chục chức năng và luồng nghiệp vụ phức tạp và các ứng dụng có liên quan khác.
 
Đã chủ động phối hợp xử lý các lỗi và chủ động nghiên cứu bổ sung, phát triển các Modul chức năng trong sử dụng và vận hành khai thác. Cùng với đẩy mạnh các giải pháp, ứng dụng CNTT vào các mặt hoạt động SXKD, công tác an toàn thông tin cũng luôn được quan tâm, chú trọng. Đã thiết lập các chính sách an toàn thông tin; triển khai nâng cấp, sử dụng 100% phần mềm bản quyền Microsoft (Hệ điều hành Windows 10, Micorosoft Office 2013,...); trang bị, cài đặt phần mềm diệt Virus trên 100% máy tính trong đơn vị, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, ít xảy ra lỗi.
 
Bên cạnh đó đã quan tâm đầu tư thời gian, cụ thể hóa các quy định của Tập đoàn thành các quy trình, quy định, guideline, hướng dẫn nội bộ và nhận xét, đánh giá ứng dụng khi sử dụng, khai thác phần mềm. Đã rà soát, thống nhất xây dựng 9 luồng quy trình nghiệp vụ, ban hành các quy định trong lĩnh vực CNTT như quy định bảo mật, an toàn thông tin, quy định trong quản lý vận hành trang Website, quy định quản lý văn bản chứng từ điện tử,… và các nội dung có liên quan khác. Qua đó đã kịp thời hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CBNV và thực hiện đào tạo nội bộ đáp ứng yêu cầu ứng dụng, vận hành khai thác các hệ thống CNTT trong toàn Công ty được đồng bộ, hiệu quả. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay mọi CBCNV được giao các Account đã sử dụng, quản lý thành thạo, từng bước hình thành, tạo nên thói quen tốt trong khai thác, sử dụng phần mềm và ứng dụng CNTT vào các mặt công tác. Hệ thống CNTT đi vào hoạt động đồng bộ, ổn định, hỗ trợ các mặt hoạt động nghiệp vụ và trong công tác quản lý tại các cơ quan, đơn vị và Công ty, đồng thời cung cấp kịp thời cơ sở dữ liệu để Ban lãnh đạo Công ty quản lý chặt chẽ, đầy đủ, ra quyết định kịp thời trong quản lý, điều hành.
 
 
Chủ động đưa ứng dụng CNTT và hệ thống phần mềm ERP sử dụng
 
Ngoài ra Phòng CNTT cũng mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp và tự phát triển các công cụ phần mềm nhằm nâng cao công tác lãnh đạo và quản trị, điều hành (như: Công cụ đồng bộ dữ liệu chấm công tự động đối với CBCNV - từ máy đến cơ sở dữ liệu tập trung; Phân tích yêu cầu và xây dựng hệ thống phần mềm quản lý người ra vào cổng phục vụ cho công tác giám sát an ninh,…). Đến nay Công ty đã được Camera hóa các vị trí giám sát trên dây chuyền, các vị trí bốt và vọng gác bảo vệ của Công ty,… qua đó giúp cho hoạt động giám sát thường xuyên, chặt chẽ, chính xác, an toàn đối với SXKD và mọi mặt hoạt động, đồng thời giám sát chặt chẽ về khí thải, môi trường…đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ sinh thái và môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng tại địa phương, Trung ương theo yêu cầu trong điều kiện mới. Trong đó, đặc biệt có sản phẩm tiêu biểu áp dụng CNTT và đảm bảo tốt chức năng đồng bộ hệ thống xuất hàng, in phun, đếm bao và giám sát xuất hàng,... đã được Hội chuyển đổi số Việt Nam trao Danh hiệu “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”.
 
Năm 2020 với dịch bệnh Covid kéo dài đã gây nhiều khó khăn đối với các mặt hoạt động, trong đó có lĩnh vực ứng dụng CNTT. Tuy nhiên với sự chỉ đạo thường xuyên của Ban lãnh đạo Công ty cùng với việc tích cực, chủ động, do đó Phòng CNTT đã đề xuất  các biện pháp và khẩn trương, triệt để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đồng thời tham mưu cho Ban TGĐ trong triển khai các giải pháp làm việc từ xa, hội họp giao ban Công ty bằng hình thức trực tuyến,…với 32 thành phần trên khắp các khu vực thị trường, từng bước đưa CNTT áp dụng trong dây chuyền sản xuất và mọi mặt công tác quản lý, điều hành của Công ty.
 
 
Tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý lao động, hoạt động ra vào và Camera hóa các vị trí
 
Để theo kịp xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, chắc chắn ngành CNTT của Công ty còn rất nhiều việc phải làm. Kết quả và thành công bước đầu còn rất khiêm tốn và giản đơn, tuy nhiên được sự quan tâm từ ngành dọc CNTT của Tập đoàn và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban TGĐ, ủng hộ của lãnh đạo chỉ huy cơ quan, đơn vị và mọi CBCNV, Phòng CNTT Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả sẽ vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi quy trình nghiệp vụ, dù chỉ là nhỏ nhất, điều đó là tất yếu và phải quyết tâm rất cao để phấn đấu làm bằng được trong thời gian ngắn nhất.
 
Trước khi khép lại bài viết này, xin được trích dẫn ý của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong bài phát biểu tại tọa đàm ICT năm 2020 chiều ngày 03/7/2020, đó là “Muốn chuyển đổi số, chúng ta phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu,…Quan trọng nhất của chuyển đổi số là làm sao để mọi người thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. Đây là nhiệm vụ rất lớn của những người làm CNTT”. Điều đó đặt ra cho lãnh đạo Công ty, các phòng, Phân xưởng, Chi nhánh, mà trực tiếp là ngành CNTT của Công ty rất nhiều điều cần suy nghĩ, tìm tòi, hành động cho giai đoạn sắp tới. Hy vọng với những kết quả khả quan ban đầu, sẽ làm nền tảng và tạo khí thế mới để ngành CNTT tự tin, vững bước trong đáp ứng yêu cầu SXKD và mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết
Về đầu trang
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top